Dây dẫn là thành phần không thể thiếu trong bộ dàn hi-fi. Chọn dây dẫn như thế nào, và chọn loại nào cho phù hợp là câu chuyện Stuff Vietnam muốn chia sẻ cùng độc giả.
Sự hài hòa giữa dây và dàn máy
Trong một bộ dàn hi-fi, dây tín hiệu và dây loa thường được coi là những “nhân vật thầm lặng” vì chúng thường ẩn mình phía sau bộ dàn. Thế nhưng chính những “nhân vật thầm lặng” này lại có tác động nhất định đến chất âm nói chung của cả hệ thống.
Nếu dây loa và dây tín hiệu trong một bộ dàn mà hoàn toàn trung tính, không áp đặt bất kỳ đặc tính nào lên âm thanh thì thật tuyệt vời. Song đây lại là một điều không tưởng, nên chúng ta bắt buộc phải chọn dây dẫn sao cho phong cách trình diễn và âm sắc của nó tương hợp với hệ thống để chúng bổ khuyết cho nhau và tạo nên một âm thanh hài hòa, cân đối theo mong muốn.
Ví dụ: nếu hệ thống trình diễn tiếng treble hơi sáng và gắt quá thì dây dẫn phù hợp với nó phải là loại dây dung hòa nhược điểm này, giúp người nghe cảm nhận âm thanh dễ chịu hơn; còn nếu tiếng bass quá mạnh, hay quá mềm, thì kiểu dây cho âm thanh chắc gọn lại khắc phục được điều này. Hoặc như một hệ thống mà tiếng trung thiếu “sự hiện diện”, tức là không làm người nghe cảm nhận được độ nổi và vị trí của ca sĩ, thì bộ dàn đó rất cần những dây dẫn giúp âm nhạc hướng về phía trước, tức là làm cho âm trung nổi lên hơn.

Chọn dây sau khi chọn dàn máy Dây loa và tín hiệu không thể là giải pháp vạn năng, mà chỉ nên là bước cuối cần hoàn thiện để tôn thêm những nét đẹp âm thanh sẵn có của bộ dàn. Dây dẫn tốt chỉ tạo điều kiện cho thiết bị phát huy hết tiềm năng vốn có của chúng mà thôi, nó không thể làm cho một hệ thống kém chất lượng trình diễn hay hẳn lên được. Nên bạn hãy bắt đầu bằng việc chọn hệ thống, sau đó, tìm đến những dây loa và tín hiệu giúp hệ thống trình diễn tối ưu. Những chiếc dây chất lượng tốt không thể tạo ra biến chuyển căn bản nào trong âm thanh của bộ dàn mà chỉ có thể giảm thiểu ảnh hưởng của chính chúng lên âm thanh mà thôi.
Ưu tiên dây cho thiết bị
Xác định số tiền dành cho dây sao cho hợp lý là điều băn khoăn với nhiều bạn. Kinh nghiệm cho thấy trong điều kiện tài chính có hạn, bạn nên đầu tư nhiều hơn vào cặp dây tín hiệu nối với nguồn âm mà bạn sử dụng thường xuyên nhất, ví dụ như đầu CD. Tất nhiên dây nối giữa preampli và ampli cũng cần tốt nhất có thể. Và âm thanh của bộ dàn sẽ phụ thuộc vào chất lượng của dây loa.
Có nên chọn dây cùng hãng
Có quan điểm cho rằng tất cả dây dẫn nên mua cùng của một hãng vì ngay từ khi sản xuất, nhà sản cuất đã thiết kế sao cho chúng hợp tác với nhau ăn ý để có thể tạo ra hiệu quả âm thanh tối ưu. Quan điểm khác lại cho rằng nên phối hợp dây của nhiều hãng khác nhau tùy theo chất âm. Đây cũng là một điều thú vị để bạn trải nghiệm và khám phá trong quá trình hoàn thiện hệ thống nghe của mình.
Nghe đánh giá dây
Để thử dây, hãy lắng nghe dây đầu tiên trong khoảng 15-30 phút, rồi chuyển sang dây thứ hai. Tiêu chuẩn chọn lựa đơn giản là dây nào khiến bạn thấy âm nhạc nghe hay hơn, thú vị hơn thì chọn. Không cần phải phân tích quá nhiều, chỉ cần chọn chiếc dây mang lại cho bạn cảm giác hứng thú và say mê hơn khi thưởng thức âm thanh là được. Một cách khác đối với người có kinh nghiệm là phân tích âm thanh của từng dây rồi xác định thế mạnh và hạn chế của chúng. Bạn sẽ thấy rằng nếu ngang tầm giá, mỗi dây đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, không có chiếc nào hoàn hảo. Và một lần nữa, lắng nghe một cách cẩn thận sự phối hợp giữa dây và hệ thống của chính bạn là cách duy nhất để chọn ứng cử viên xuất sắc nhất.

Vài chú ý khi thử dây Dải trung và cao bị sắc quá
Dải trung và cao bị chói gắt hay sắc quá, không có sự tinh tế, thiếu độ ngân vang của nhạc cụ. Âm thanh thiếu “hình khối” rõ ràng. Nếu bạn nghe thấy những âm gió sau lời hát của ca sĩ bị nhấn mạnh thái quá, hoặc dải cao bị tối và bó hẹp… thì đó là sợi dây không tương thích với hệ thống.
Thiếu không gian và chiều sâu
Bạn hãy sử dụng một bản nhạc có chiều sâu và không gian tự nhiên, lắng nghe xem dây dẫn tác động đến chiều sâu và cảm nhận nhạc cụ như được “nổi” lên trong không gian ba chiều như thế nào.
Độ phân giải thấp
Một số dây trình diễn rất mượt, nhưng đôi khi lại khiến cho âm thanh thiếu chi tiết và sống động. Đối lập với kiểu dây trên là những sợi dây “bóc tách” quá khô khan mọi chi tiết âm thanh tạo cảm giác cứng và sắc. Dây dẫn cần đảm bảo cân bằng giữa độ phân giải âm thanh, độ động và cảm giác thư giãn, dễ chịu cho người nghe.
Tiếng bass bị tối hoặc mờ
Dây loa và tín hiệu kém chất lượng có thể khiến tiếng bass trở nên chậm chạp hoặc đục. Với bộ dây như vậy, âm nhạc sẽ nặng nề chứ không chắc và căng tròn. Phần trầm nghe như âm thanh của chiếc subwoofer rẻ tiền chứ không phân tách ra âm thanh sắc nét của những nốt nhạc riêng biệt.
Cảm thấy mệt khi nghe nhạc
Có những bộ dàn hi-end khá đắt tiền nhưng phối ghép không đúng sẽ làm người nghe thấy mỏi mệt. Một hệ thống tốt, được phối ghép với dây phù hợp sẽ làm bạn nghe nhạc dù vặn volume lớn và nghe lâu dài nhưng vẫn không thấy mệt mỏi. Nếu dây sinh ra hiện tượng “làm mệt” hay làm bạn căng thẳng, hãy tránh xa nó dù có bất cứ ưu điểm vượt trội nào.

